Từ chiếc máy xe công nông tưởng chừng phải bỏ đi, qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của một lão nông đã trở thành sản phẩm rất hữu ích góp phần không nhỏ vào mục tiêu cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Đó chính là chiếc máy cày tời dùng làm đất của ông Nguyễn Mạnh ở thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp, Hướng Hóa (Quảng Trị). “Gọi là “máy cày tời” vì nó được làm từ chiếc công nông có chức năng “tời” và một cái cày có thể di chuyển trên 2 bánh xe”, ông Nguyễn Mạnh định nghĩa đơn giản về sản phẩm của mình.
Ông Nguyễn Mạnh và chiếc máy cày tời do ông tự chế
Ông nhớ lại, năm 2008 sau khi có chủ trương của Chính phủ cấm lưu hành các loại xe công nông, xe tự chế… ông chấp hành ngay nhưng vốn là tài xế lái công nông lâu năm ông không đành lòng nhìn chiếc công nông gắn bó với mình đã bao năm biến thành đống sắt vụn. Gia đình ông lại có mấy héc-ta cà phê, hồ tiêu… nên mỗi kỳ làm đất cho vườn cây ông phải bỏ ra một số tiền cả chục triệu đồng thuê nhân công mà hiệu quả công việc thường không cao. Sau những đêm dài suy tính, ông liên tưởng đến hình những chiếc xe ba cầu chuyên đi đường rừng thường có hệ thống cáp tời gắn trước đầu xe. “Một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu là sao không chế thêm chức năng tời cho chiếc công nông của mình”, ông nói về ý tưởng ban đầu của mình.
Nghĩ là làm, ông bắt đầu bỏ công sức cải tiến đầu máy công nông của mình. Để thực hiện ý tưởng, ông Mạnh chế lại bộ côn, thay bộ nhông truyền lực cho hộp số, thay hệ thống bánh răng để giảm tốc, tăng lực kéo… Nghe qua thì đơn giản vậy nhưng nó tiêu tốn của ông không ít thời gian, mồ hôi và tiền bạc…Gần một năm trời tự mày mò rồi hỏi thăm những thợ cơ khí có kinh nghiệm, thử đi thử lại không biết bao nhiêu lần, cuối cùng ông cũng thành công khi đầu máy công nông giờ có thêm chức năng “tời”.
Phần máy tời hoàn thành, công việc tiếp theo là chế tạo cái cày. Tận dụng phần trước của một đầu máy công nông loại nhỏ, sau khi loại bỏ những phần không cần thiết, chỉ giữ lại bộ khung và 2 bánh xe, ông gắn vào bên dưới một lưỡi cày. Lần thử đầu tiên thất bại. “Lần đó chưa do dây cáp cuốn vào không đều nên cái cày lật nhào, suýt nữa thì gây tai nạn”, ông Mạnh nhớ lại.
Một vấn đề nan giải không kém là phải tính toán làm sao để lưỡi cày ăn sâu vào đất tùy yêu cầu công việc. Ban đầu lưỡi cày được ông gắn cố định nên muốn cày sâu thì vừa phải giữ thăng bằng lại vừa ấn mạnh hai tay cầm nên rất khó nhọc và mất nhiều sức. Sau khi tính toán ông quyết định chế ra bộ điều chỉnh độ gập mở cho lưỡi cày.
Ông cho biết: “Muốn điều khiển lưỡi cày “ăn đất” trong khi cày sao cho phù hợp với mục đích làm đất chỉ cần thêm cái chốt gồm 4 nấc, mỗi nấc tương đương với độ sâu 10 cm tính từ mặt đất. Như vậy có thể điều chỉnh độ nông sâu của đường cày từ 10 cm đến 40 cm rất dễ dàng, mỗi lần muốn di chuyển lưỡi cày chỉ việc gập lại và kéo đi”.
Dẫn chúng tôi ra vườn hồ tiêu, ông Nguyễn Mạnh tận tình hướng dẫn cách sử dụng chiếc máy cày tời này. Từng đường cày được thực hiện một cách đơn giản, rất ít tốn sức. Theo tính toán của ông Nguyễn Mạnh thì năng suất lao động khi làm đất bằng máy cày tời tương đương với 15 đến 20 nhân công. Nói về công dụng của chiếc máy cày tời, ông nói: “Nó có thể sử dụng khi cày ải làm đất tơi xốp, bón phân hoặc có thể cày luống để trồng mới…”. Cũng theo ông, ưu điểm nổi bật khi làm đất bằng máy cày tời là đầu máy ở bên ngoài vườn, chỉ có lưỡi cày luồn sâu vào bên trong nên tránh tối đa việc gãy cành, dập lá…, rất thích hợp đối với những vườn cà phê lâu năm khi cây đã cao, cành đã khép tán…
Nhớ lại quá trình hình thành nên chiếc máy cày tời này, ông tâm sự: “Ban đầu cũng lắm gian nan, sau mấy lần thất bại khi chế tạo máy tời bản thân tôi cũng nản lắm. Đôi khi trong đầu vẫn thoáng qua ý nghĩ bỏ cuộc nhưng vì đam mê các loại máy móc nên ròng rã suốt một năm trời hì hục tháo lắp, cải tiến, tôi đã hoàn thành là chiếc máy cày tời hoàn thiện như hiện nay”.
Chia tay người nông dân tuổi đã ngoài bảy mươi nhưng trông vẫn còn rắn rỏi, lanh lẹ, chúng tôi hết sức khâm phục sức sáng tạo của ông. Nhờ có chiếc máy cày tời nên nhưng năm gần đây dù giá cà phê, hồ tiêu xuống thấp làm nản lòng không ít nông dân thì với ông Nguyễn Mạnh vườn cà phê, hồ tiêu vẫn xanh tốt nhờ được chăm sóc chu đáo. Đó là nhờ chiếc máy cày tời mà ông giảm tối đa đi phí dành cho chăm sóc vườn cà phê và hồ tiêu. Vụ cà phê năm rồi trong khi người trồng cà phê Hướng Hóa gặp nhiều khó khăn thì gia đình ông vẫn có lãi từ vườn cà phê 2,5 ha, lại thêm thu nhập từ 6 sào hồ tiêu nên “dù không bằng những năm trước nhưng vẫn đủ sống”, ông Mạnh nói.
Công Điền