Gặp Thái trên con đò chong chanh vượt sông Đakrông, cậu học sinh lớp 8B Trường THCS Dakrông để lại ấn tượng sâu sắc với gương mặt khôi ngô và đôi môi luôn nở nụ cười.
Trong tiết trời giá lạnh, Thái chỉ khoác trên người chiếc áo sơ mi mỏng manh. Em nói: “Em ở bản Khe Ngài. Chỉ cần cuốc bộ từ bản ra đến bến đò là bọn em đều vã mồ hôi như tắm rồi, không còn thấy lạnh nữa”.
Hàng ngày, Thái và bạn bè trong bản phải vượt qua con đường mòn sâu hun hút để ra bến đò. Sau đó, các em lại nhờ người chở hoặc tự điều khiển đò để vượt sông. Những ngày mưa to, gió lớn, Thái và bạn bè chỉ biết âu sầu đứng nhìn nước sông Đakrông cuồn cuộn chảy.
“Có đợt vì bất cẩn, em và các bạn bị ngã xuống sông. May mà ai cũng biết bơi nên không sao, chỉ tiếc là sách vở bị ướt hết. Cả tuần đó, em phải chép lại bài mỏi nhừ cả tay. Dù sao em vẫn vui vì xem đó như là thời gian ôn bài cũ”, Thái hồn nhiên chia sẻ.
Con đường đến trường của Thái và học sinh ở bản Khe Ngài dài gần 10 km. Chuyện đi học khi sương chưa tan và trở về nhà lúc trời tối mịt trở nên rất đỗi bình thường.
Gia đình Thái có 8 anh em. Bố mẹ em đều đã già, lại quanh năm quăng quật rẫy nương nên thường xuyên đau ốm. Nhiều lúc các thành viên trong gia đình phải chia đôi củ khoai, củ sắn để ai cũng có cái lót dạ. Vì hoàn cảnh khó khăn, anh trai của Thái đã nghỉ học để phụ giúp bố mẹ.
Hiểu điều ấy, cậu bé người Vân Kiều tự nhủ: “Em không chỉ học cho mình mà còn cho cả bố mẹ và anh trai nữa. Bố mẹ em không biết chữ. Anh trai thì mới học xong lớp 7 thôi, giờ cái chữ rơi rụng hết rồi”.
Hàng ngày, sau giờ đến lớp, Thái tự giác phụ bố mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, rồi tất tã đi chăn trâu. Đây là khoảng thời gian quý giá đối với Thái vì vừa chăn trâu, em vừa có thể học bài. Đêm xuống, bản Khe Ngài đều chìm trong bóng tối. Máy tua bin phát điện không thể cung cấp đủ ánh sáng để anh em Thái học bài. Mỗi lúc như thế, cậu học trò nghèo chỉ ước ao nơi mình sống cũng có điện như các bản làng dọc quốc lộ 9.
Trong học tập, Hồ Văn Thái luôn nỗ lực gấp đôi các bạn. Hàng năm, vào mùa tựu trường, em đi mượn sách cũ của bạn bè và thầy cô. Đối với Thái, sách vở, áo quần cũ hay mới không quan trọng, em chỉ mong bố mẹ xoay chạy được tiền để sớm hoàn thành các khoản thu nộp.
Em Hồ Văn Thái (trái) cùng bạn đang say mê học bài trong sách Địa Lý 8 giờ ra chơi
“Vào đầu năm học, bố mẹ em đều gầy rộc đi vì phải kiếm tiền. Thương bố mẹ lắm nhưng chúng em chẳng biết phải làm sao, chỉ cố học thật giỏi thôi”, Thái trầm ngâm tâm sự.
Vượt mọi khó khăn, Hồ Văn Thái luôn đứng ở tốp đầu trong danh sách học sinh có thành tích xuất sắc của trường. Các năm học vừa qua, Thái đều được trao danh hiệu học sinh giỏi. Không chỉ vậy, em còn nổi tiếng là học sinh ngoan ngoãn, biết giúp đỡ các bạn có học lực yếu, hăng hái tham gia mọi phong trào…
Nói về ước mơ của mình, Thái thành thật chia sẻ: “Em không dám mơ đạt được thành tích này, đứng ở vị trí nọ, chỉ mong muốn được đi học đến nơi đến chốn”. Em khẳng định, sẽ nỗ lực hết sức để không phụ lòng bố mẹ, thầy cô và bạn bè.
Cô Hồ Thị Bích Lan, Hiệu phó Trường THCS Đakrông, Quảng Trị nói về nỗi trăn trở bấy lâu: “Trong số 521 học sinh của trường, có khá nhiều em ngày ngày phải lặn lội vượt quãng đường gần 10 km để bám trụ con chữ. Nguyện vọng lớn nhất của các em là được ở lại trường sinh hoạt và học tập. Vấn đề là ngay cả số phòng học của nhà trường hiện vẫn còn thiếu thì lấy đâu ra nơi để các em tạm trú?”. Cô cho biết thêm, trong số các học sinh đề đạt nguyện vọng ấy, cô nhớ mãi hình ảnh em Hồ Văn Thái. Nhìn ánh mắt cậu học trò nghèo, không chỉ cô mà có lẽ ai cũng cảm nhận rõ khát khao học hành đến cháy bỏng. Xin chúc cho ước mơ của em Hồ Văn Thái luôn sớm thành hiện thực. Buôn làng, thầy cô sẽ luôn kề vai sát cánh bên em để đi đến những chân trời mới cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương mạnh giàu.
Tây Long