Quảng Trị đặc sản ẩm thực lam-pia

Anh Hồ Văn Việt ở thôn Vực Leng, xã Tà Rụt, Đakrông, Quảng Trị không chỉ là nghệ nhân chế tác nhạc cụ truyền thống có tiếng ở địa phương mà còn là người làm các món ăn do cha ông truyền lại. Ngôi nhà sàn của anh thường đón nhiều khách quý, trong đó có những khách ở xa, lần đầu ghé đến.

Lần ấy, chúng tôi thật vui khi được anh Việt mời ở lại nhà đúng bữa cơm chiều. Trong khói bếp thơm mùi cơm nếp, anh Việt trổ tài mời khách món lam-pia sau một buổi cất công đi thả lưới dưới dòng sông Đakrông gần nhà. Thường cá dùng làm lam-pia là cá mát, cá trắm, chép, sống chủ yếu ở thượng nguồn nên rất sạch. Chiếc a đư (cái oi hay gùi nhỏ) anh Việt đeo sau lưng chứa đầy cá to, cá nhỏ trông rất thích mắt.

Lam – pia (gỏi cá) là một trong những đặc sản của người Vân Kiều, Pa Kô để thết đãi khách quý. Khách đến thăm sẽ được theo chân chủ nhà ra sông câu cá, ngắm cảnh rừng núi hùng vĩ, thanh bình, cùng họ chế biến, thưởng thức món lam-pia với hương vị đặc trưng riêng, khó quên.

Đổ tất cả số cá đang còn nhảy đành đạch ra a điên (cái mâm), anh Việt chọn những con cá bằng 2-3 ngón tay ra một bên để làm lam-pia, loại cá to hơn anh bảo vợ đem kho hoặc làm lạp. Số cá chế biến lam-pia, anh Việt làm sạch, thái nhỏ từng khúc khoảng 1,5-2 cm và cho tất cả vào cái tô to. Lá pear-cha (lá rừng có vị chua, hơi chát) có tác dụng khử mùi tanh rất hiệu quả đã được anh hái về, rửa sạch, cho vào cối giã mịn, vắt lấy nước rồi cho nước lá pear-cha cùng với nước chanh và ớt, gừng vào tô cá, ngâm khoảng vài phút để khử mùi tanh, sau đó chắt số nước được ngâm đổ đi. Các gia vị khác như: muối, bột ngọt, rau màu cũng không thể thiếu trong chế biến lam-pia. Để tăng vị ngon của món này, anh Việt hái một ít lá non hay đọt cà phê, sung, chè, vả, đinh lăng, cây kiệu thơm của miền núi, rau thơm…thái mịn, cho tất cả vào tô cá trộn đều. Màu sắc của cá, ớt, rau màu, gia vị khiến món lam-pia trông thật bắt mắt.

Đến bữa ăn, mọi người quây quần bên chiếc a điên to đựng một đĩa cơm nếp còn nóng hổi, một tô lam-pia và một ít lá pear-cha. Thấy chúng tôi còn ngờ ngợ không biết ăn thế nào, sau khi rót mời khách ly rượu nếp bản thơm ngào ngạt, anh Việt hướng dẫn tận tình cách thưởng thức đặc sản quê nhà. Anh gắp một miếng lam-pia đặt vào giữa một chiếc lá pear-cha rồi cuộn tròn lại cho vào miệng ăn ngon lành và cười nói: “Ăn lam-pia phải kẹp với lá pear-cha mới ngon, có tác dụng tránh được vị tanh của cá. Các loại gia vị như chanh, ớt, rau màu càng nhiều thì càng tăng độ thấm của lam-pia”.

quang-tri-dac-san-am thuc-lam-pia

Đặc sản ẩm thực lam pia Quảng Trị

Theo lời anh, chúng tôi cùng thưởng thức lam pia, thấy vừa có vị chua, hơi chát, vừa có vị thơm, đặc biệt rất cay. Đây là một trong những món ăn giàu chất dinh dưỡng của người Vân Kiều, Pa Kô. Dùng lam-pia với cơm nếp, nhất là nếp đỏ trồng tại bản thì càng ngon hơn.

Sau bữa cơm thân mật với gia đình anh Việt, chúng tôi mong có dịp được ghé thăm nhà anh lần nữa để được thưởng thức món lam-pia.

KÔ KĂN SƯƠNG

    Gửi bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH