Chị Nguyễn Thị Tâm ở Tân Mỹ, Vĩnh Giang, Vĩnh Linh là một người phụ nữ chịu khó, dù chồng đi vắng nhưng chị vừa làm tốt vai trò của một người vợ, người mẹ vừa tích cực tham gia công tác xã hội. Trong những năm qua, chị luôn là tấm gương phát triển kinh tế giỏi, giải quyết việc làm cho một số chị em tại địa phương.
Sinh năm 1956, là con thứ hai trong một gia đình có 5 anh chị em, cuộc sống khó khăn nên mới học xong lớp 9, chị phải nghỉ học phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học. Năm 1980, chị lập gia đình với anh bộ đội Nguyễn Quang Sáng, đơn vị anh Sáng lại đóng ở Huế nên thời gian anh ở bên gia đình không được bao nhiêu. Cũng từ đó, tất cả công việc gia đình đều dồn lên vai chị, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn hơn khi lần lượt bốn đứa con ra đời.
Để có tiền trang trải nuôi con, chị phải làm đủ nghề, buôn gạo, tiêu, vải…nhưng cũng vì phải đi nhiều nên chị ít có thời gian chăm sóc, dạy bảo con cái. Mong muốn có một nghề ổn định để vừa phát triển kinh tế vừa ở gần các con luôn làm chị trăn trở từng ngày. Và ý định đến với nghề làm bánh chưng đến với chị trong một lần người anh rể đi công tác về tặng chị cặp bánh chưng làm quà. Chị kể: Cầm cặp bánh chưng trên tay, tôi nghĩ ngay đến nghề làm bánh chưng bởi nó giúp tôi vừa có thời gian chăm sóc gia đình vừa ổn định kinh tế.
Nghĩ là làm, ngày ngày chị tìm đến những người làm bánh trong làng để học hỏi kinh nghiệm, tập tành gói bánh và chỉ sau một tuần chị đã có thể xây dựng, mở một cơ sở gói bánh tại nhà. Những ngày đầu, bánh của chị chưa được ngon, hương vị không được đặc trưng như các cơ sở bánh khác nên số lượng bánh bán ra chưa nhiều, có ngày không bán được chị phải năn nỉ, đổi bánh lấy thức ăn cho gia đình.
Chị Nguyễn Thị Tâm đang say mê gói bánh chưng tại gia đình
Chi chia sẻ với chúng tôi về những ngày tập tễnh vào nghề: Đôi lúc tôi cũng thấy nản vì lời lãi không có, có khi còn bị lỗ vốn vì mình làm ít quá lại không bán được, nhưng mỗi lần gói bánh được nhìn các con ngồi xung quanh đùa nghịch, lại được sự động viên của chồng nên tôi tiếp tục cố gắng. Tuy vất vả khó khăn là thế nhưng chị không nản quyết bám nghề, bám bánh nuôi con.
Năm đầu tiên,”Vạn sự khởi đầu nan” vì không có kinh nghiệm, chưa tạo được các mối hàng thân quen nên chị gói bánh chưng chỉ để được bên các con chứ lời lãi không được là bao, mọi chi tiêu trong gia đình chủ yếu nhờ vào đồng lương ít ỏi của chồng. Nhờ sự chuyên cần không biết mệt mỏi của chị, giờ đây qua hơn 20 năm gắn bó với nghề, bánh của chị đã khẳng định được chất lượng trên thị trường. Không những lễ tết mà ngày thường bánh của chị đều bán rất đắt hàng, nếu trước kia chị gói mỗi ngày 10-15 loong gạo nếp thì bây giờ tăng lên 200 đén 300 loong mỗi ngày.
Không để phí nguồn nước mã khi vo nếp và bã đậu.. chị Tâm thả thêm 5 con lợn nhằm tăng thêm thu nhập. Nhờ cần cù, chịu khó nên mỗi năm gia đình chị thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng. Ngoài 2 lao động của gia đình, chị còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại địa phương với thu nhập trên 2 đén 3 triệu đồng/người/tháng. Cũng nhờ có thời gian và có thu nhập ổn định từ nghề làm bánh chưng nên vợ chồng chị có điều kiện nuôi bốn đứa con học đại học, giờ đã ra trường và có việc làm ổn định.
Cha ông ta thường nói: “Trong cái khó sẽ ló cái khôn”. Vấn đề là bạn có dám nghĩ và dám làm hay không? Nếu chúng ta biết nắm bắt, biết chuyên cần và cố gắng thì thành công sẽ rất cao. Qua câu chuyện và tấm gương trên Mai Linh mượn một thông điệp của một nhà hiền triết để kết thúc bài viết này: “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.
(Theo Ngô Thủy)