Quần thể di tích văn hóa làng Mai Xá

I. DANH NHÂN LÀNG MAI
1. Hồ Công Khanh
Ông là người xã Mai Xá, châu Minh Linh, người cao lớn khỏe mạnh, được sung làm lực sĩ vệ Kim Ngô. Khi trong nước có biến loạn, ông theo phò Định Doanh đánh giặc lập công, được trao tước Liễu Chữ Bá Thăng làm Đô chỉ huy Thiềm sự vệ phù Nam. Sau ông đi đánh dẹp ở Tuyên Quang bị tử trận [1]
2. Hai ngài khai khẩn họ Trương và họ Lê được vua sắc phong là Trương Đại lang thụy Cương Trực, Lê đại lang Thuỵ Minh Chính.
3. Ngài văn Dũng Hầu Bùi Quý Công được vua sắc phong Thụy Bình Trực.
4. Ông Trương Danh Thế có công thiết kế sông đào từ Mai Xá ra nhỉ hạ, thời chúa Phúc Tần.
5. Ông đồ Trương quang cung tham gia cách mạng thời Cần Vương
6. Ba hạt giống đỏ của làng hoạt động Cách mạng từ năm 1927 là ba cán bộ lão thành Cách mạng, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập là:
Cụ trương quang phiên (Chủ tịch UBKC tỉnh Quảng Trị).
Cụ tú tài Trương Khắc Khoan
Cụ – Trương Quang Côn (khoá thặng)
(1) Theo Ô Châu Cận lục năm 1553, trang 131, 132

II. QUẦN THỂ VÀ DI TÍCH VĂN HÓA
II.1 .Đình làng Mai
1. Đặc điểm, kiến trúc của Đình.
Đình làng Mai Xá Chánh là một công trình nổi trội trong các ngôi đình làng của tỉnh Quảng Trị, vừa có giá trị văn hoá vừa có giá trị lịch sử đấu tranh Cách mạng
Đình xây dựng trên một gò đất cao hình thế tự nhiên “Mã đầu đới kiếm” (đầu ngựa mang gươm)… có phong thủy hữu tình, khoáng đạt. Phía trước mặt đình là sông Hiếu và sông Thạch Hãn. Phía Đông là con sông Đào Cánh Hòm. Phía Tây là Lòi (Rú), Hà Cộôc, Dinh ông thờ hai ngài Trương và Lê. Trong khuôn viên đình phía trước là chợ: chợ Mai Xá là một chợ lớn của huyện. Phía Tây đình là đàn Âm hồn, sau đàn có giếng nước trong vắt, bên cạnh giếng là cây đa cổ thụ cành, lá, rễ xum xuê tỏa rộng. ở phía Đông đình (tả) là miếu thờ Thánh thần Hoàng. Ngày xưa, phía trước cổng đình còn có 2 cây dương liễu cổ thụ cao ngất.
Lịch sử đình làng gắn liền với sự hình thành làng xã của người Việt. Đình làng xây dựng từ năm nào thì đến nay chưa xác định được nhưng địa bạ của xã lập năm 1827 đã có xứ tiền đình, Trước phong trào Cần Vương (1885 – 1890) đã có đình làng. Để đàn áp phong trào Cần Vương, quân Pháp và tay sai đã đóng quân tại đình làng Mai, dân không có chỗ thờ cúng nên đã làm tạm ngôi đình ở bên Đuồi thuộc cánh đồng Soi, khi giặc rút đi nhân dân trở về đình cũ thờ cúng, nhưng vì đã lâu ngày nên đình bị xuống cấp, dân làng đã bàn bạc trùng tu lại đình. Theo tư liệu xăm thẻ làm đình làng ngày 8 tháng 6 năm Nhâm Thìn nhuận (năm 1892), khi trùng tu đình, lúc đào hố trụ dựng cột đình cũ, dân làng nhặt được 2 đồng tiền niên hiệu cảnh hưng năm thứ 2 thuộc triều đại Lê Hiền Tông (1740 – 1786), như vậy trước đó đình đã có quy mô kết cấu và đã qua nhiêu lần trùng tu.
Năm 1892, Đình trùng tu với chiều dài 12m, rộng 8.2m, kiến trúc theo kiểu nhà rường miền Trung Trung bộ. Theo lời kể của các bậc lão thành, làng đã cử cụ Bát phẩm Trương khắc lộc làm hội chủ, cụ Trương Văn Bảng lục phẩm làm chánh đốc công.

9-cau-chuyen-hay-ve-lang-mai-xa2

Đình có bốn vài, ba gian và hai chái, cột to bằng gỗ lim và mít, đá kê cột là đá Hảo Sơn. Cột, kèo, xuyên, trếng được khảm chạm hoa văn rất tinh tế và công phu, quý hiếm. Đình chia thành 2 phần: Phần trong gồm Đại sảnh đặt khám thờ, bày biện đồ tế lễ rất trang nghiêm, có 2 đôi hạc đứng trên lưng 2 con rùa. Phần ngoài tiền sảnh là phần để tế lễ, hội họp, trên tiền sảnh có bức hoành phi chạm bốn chữ “Thiên ứng thần minh” có nghĩa là Tôn thần thiên ứng vạn hóa, thông minh ứng xử.
Cột chính phía ngoài có 2 câu đối:
Quần dân phú túc tinh hoa tụ
Tam thuỷ luân lưu mạch khí trường…
Có nghĩa là: Nhân dân giàu có, là nơi hội tụ tinh hoa, ba con sông luôn luôn chảy, nơi đây phong thuỷ, khí thế lâu dài…
Tường xây bằng gạch nung, hai đầu hồi có 2 cửa ra vào. Hệ thống cửa mặt trước bằng gỗ mít thượng song, hạ bản chắc chắn, có chạm trổ hoa văn, mái đình hình cánh phượng, lợp ngói âm, dương. nóc đình và bốn cạnh do 2 chái sinh ra, tô điểm đường nét rất công phu, chính nóc có “Lưỡng long chầu nguyệt” gắn bằng sành sứ trông rất đẹp, lại trang nghiêm.
Giữa sân đình, gần cổng có bình phong dài 5m, cao 3m, giữa bình phong được gắn rồng bằng sứ.
Trước đình có cổng ra vào, hai bên cổng chính là 2 cổng phụ, cột trụ to và cao có gắn 2 câu đối bằng chữ Hán Nôm:
“Thượng hạ cửu xã phường giang sơn ngật để trụ
Đông Tây giáp Tiên Việt môn địa tráng trường thành”
Có nghĩa là: Trên dưới chín xã phường, nơi đây là cột trụ cao vời vợi của non sông
Mảnh đất cửa ngõ này được bảo vệ vững hơn trường thành
Trong chiến tranh đình làng bị san phẳng. Sau năm 1971 khi rời khu tập trung quán ngang (ấp chiến lược), dân về làng vận động bà con làng xóm ở quê và các nơi khác như Hà Nội, Sài Gòn…dựng lại ngôi đình gồm 3 gian, lợp ngói trên nóc có “lưỡng long chầu nguyệt”… nhưng so với đình dựng năm 1892 thì chưa xứng tầm. Năm 2000, trong phong trào khôi phục nền văn hoá cổ truyền, để có chỗ thờ cúng tổ tiên, các ngài khai khẩn, các ngài có công với đất nước, dân làng muốn có đình thờ lớn, ít nhất là bằng đình năm 1892. Thế là trước năm 2005, hội đồng tộc trưởng đã nhóm họp dưới sự chủ toạ của trưởng làng Trương Công Thú – giai đoạn sau là ông Bùi Bỉ, và các tộc trưởng đã bàn bạc đi đến nhất trí phải trùng tu lại đình làng. Hội đồng trưởng tộc đã viết “quyết tâm thư” gửi cho dân làng ở quê, ở Hà Nội, Đông Hà, Huế, Đà Nẵng, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh… kêu gọi bà con đóng góp tiền của để trùng tu lại đình. Dân làng ở khắp nơi đồng tâm hưởng ứng và đã đóng góp, hỗ trợ gần một tỷ VNĐ. Dưới sự điều hành và giám sát của Hội đồng trưởng tộc, ngày 26 tháng chạp năm ất Dậu (2005), làng làm lễ động thổ.
Đình trùng tu theo mô hình đình năm 1892, kiến trúc, vị trí, kích cỡ vẫn giữ y nguyên như đình cũ.
Ngày 10 tháng 7 năm 2008 tức ngày 8/6 Mậu Tý và ngày 11/7/2008 (tức ngày 9/6 Mậu Tý), làng Mai xá Chánh làm lễ khánh thành và lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Có nhiều chức sắc của tỉnh, của huyện về dự.
2. Các ngài được thờ cúng ở đình:
Ngày xưa trong đình thờ 3 bài vị của ba ngài : Trương – Lê – Bùi
3. Lịch sử cách mạng của đình làng.
– Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, cụ đồ Trương Quang Cung cùng một số nhân sĩ yêu nước thành lập “vườn đào tụ nghĩa”, họ thường nhóm họp ở đình.
– Vào khoảng năm 1925 – 1929, các hội viên Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội của huyện Gio Linh thường họp ở đình, trong số đó có 3 ông: Trương Khắc Khoan, Trương Quang Phiên, Trương Quang Côn là người làng Mai.

lang-mai-xa-cai-noi-cua-dat-me-quang-tri3

– Tháng 5 năm 1945. thanh niên làng Mai canh gác bảo vệ cho bà Lê Thị muội, tỉnh uỷ viên bí mật diễn thuyết trước cổng đình làng.
– Trước cổng đình có một quán bán hàng, kinh doanh tài chánh cho Hưng nghiệp hội của tỉnh. Chủ quán là ông Trương Văn Táo, người bán hàng là bà Lê Thị Huyền[2] và ông Trương Hữu Tần, quán này tồn tại nhiều năm trước Cách mạng tháng 8 năm 1945.
– Khi Nhật đảo chính Pháp, đội tự vệ của làng được thành lập ở đình và đây là trụ sở để tập và họp hành của Việt Minh.
– Ngày 22 tháng 8 năm 1945, các ông Trương Khắc Tá và Trương Công Huỳnh đã tập trung tự vệ và quần chúng tổng An Mỹ Hạ ở đình để lên Gio Linh cướp chính quyền và thành lập ủy ban khởi nghĩa huyện Gio Linh.Tối 1/9, ông Trương Quang Côn tập trung một số cán bộ Việt Minh ở đình rồi đi thuyền lên dự lễ 2/9 ở thị xã Quảng Trị.
– Ngày 6/1/1946, bầu cử đại biểu Quốc hội tại đình làng.
– Ngày 15/1/1946 thành lập chi bộ đầu tiên của xã tại đình.
– Ngày 15/8/1948, giặc Pháp bêu đầu các ông Nguyễn Văn Kỳ và Nguyễn Phi trước cổng đình làng.
– Những năm 1966 – 1968, đình làng là nơi trú quân của đội hải quân Việt Nam.
– Năm 1972, đình làng là kho chứa vũ khí, lương thực… của binh trạm 12 đoàn 559, được dùng để tiếp tế cho 81 ngày đêm chiến đấu ở thành cổ Quảng Trị.
– Năm 1973, nhân dân Mai Xá được đón tiếp đồng chí Tố Hữu, uỷ viên Bộ chính trị về nói chuyện ở sân đình.
– Năm 2002, dân làng được Trung tướng Mỹ về hưu là Uy- li – am Uây – xơ đem trả lại “ngài rùa” thờ ở đình làng
– Ngày 11-7-2007, dân làng làm lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và làm lễ khánh thành đình làng.
II.2. Đàn Âm hồn
Trong khuôn viên đình làng có đàn Âm hồn thờ vong linh người sống vất vưởng không nơi nương tựa, không con cháu thờ phụng. Lễ Vu Lan… dân làng tổ chức thắp hương cúng tế.
Đàn Âm hồn được trùng tu một lần cùng với đình làng, trên nền đất cao, thoáng, trang nghiêm.
II.3. Miếu Thánh Thần Hoàng.
Miếu được xây dựng và trùng tu một lần cùng với đình làng, Miếu nằm trong khuôn viên về phía Đông đình làng. Nền Miếu cao, thoáng, phong thủy hữu tình. Dân làng thường đến cúng bái, cầu xin trong những dịp lễ tương truyền. Miếu này tôn nghiêm và rất thiêng, nên không ai dám đến nô đùa, hoang nghịch. Đi qua Miếu mà không cúi đầu, không chắp tay thì y như có chuyện xảy ra.

II.4. Dinh Ông:
Theo truyền thuyết ngày xưa, dinh thờ hai ngài Tiền khai khẩn nằm ở hai vị trí khác nhau. Sau một trận mưa to, gió lớn, dinh hai ngài nhập vào một nơi. Tuy nhiên, nhà cửa cây cối trong vùng không hề hư hỏng. Dân làng cho rằng hai ngài muốn dân thờ chung liền xây dựng một Dinh chung gọi là Dinh Ông. Dinh Ông vào thời đó gồm ba gian nhà ngói, cột kèo… đều làm bằng gỗ quý hiếm. Đến năm 2000, ông Lê Quốc Phong đã đầu tư xây dựng thêm một bái đường ở phía trước.
Dinh nằm trên một vùng đất cao, tiếp giáp đường Xuyên á nhìn ra rừng cò Hà Côộc, bốn mùa cây cối xanh um, lung linh soi bóng xuống đầm nước.
ở cổng lăng có 2 câu đối:
tiên sơn việt tấn phong cương vạn lý tráng trường thành.
á vũ âu phong Đới lệ thiên thu trình để trụ.
Dinh Ông là một công trình kiến trúc thuộc di tích văn hóa “Đình làng Mai Xá”.
II.5. Miếu ngài Bùi.
Miếu Ngài được dân làng xây dựng trên một vùng đất cao và bằng phẳng ở vùng đất quan điền xứ Trung Thôn ngoại gọi là Nhà Quang. Khung miếu làm bằng gỗ quý theo kiến trúc cổ. Mái lợp ngói.
ở miếu có câu đối.
Khai Cương thượng hạ cửu xã phường.
Khẩn thổ Đông Tây giáp Tiên Việt.
Vì xây dựng đã quá lâu, đường đi lối lại khó khăn nên làng thống nhất nghinh Miếu Ngài về gần Dinh Ông. Năm nay (2010), dân làng đang thi công, xây dựng Miếu Ngài Bùi mới.
II.6. “Hà Côộc” – “Vườn Cò”
Trước Dinh Ông phía Nam đường Xuyên á là “Hà Côộc” – “Vườn Cò”, có nhiều cây bần, cây đước không to, không cao lắm, bốn mùa xanh tốt như thảm rừng xanh đáng quý. ở đây bao giờ cũng có nước, bùn sâu, khi triều lên nước ngang ngực, khi triều xuống nước lún bắp chân, tôm, cá nhiều, vì thế quanh năm có hàng nghìn con cò về trú ngụ. Mùa mưa, khi chiều về hoặc lúc mặt trời mọc, từng đàn cò trắng bay lượn sáng cả một vùng trời. Nhìn quang cảnh đẹp mắt và nên thơ ấy, ai ai cũng vui; những người đi xa hàng năm cũng mong về ngắm đàn cò của làng. Ngày xưa, cũng có người bắn hoặc nguỵ trang lên người, trèo lên cây để bắt cò. Nhưng ngày nay, hiện tượng này không còn nữa vì dân đã biết bảo vệ cảnh đẹp của thiên nhiên phú cho. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, du kích, bộ đội đã nhiều lần dựa vào thế hiểm yếu của “Hà Coộc” để tấn công quân giặc. Vào những năm 1971 – 1972, làng Mai bị máy bay B52 ném bom rải thảm, tất cả nhà cửa, cây cối đều bị san phẳng, cây cối ở “Hà Côộc” cũng bị bom đạn làm cho trơ trụi. Từ ngày thống nhất đất nước, vì đất tốt nên cây cối đã mọc lại, tươi tốt, và “Hà Coộc” ngày nay vẫn đẹp, vẫn thơ mộng như xưa, chim chóc, cò vẫn về bắt mồi và trú ngụ. Nếu đầu tư tốt, “Hà Coộc” nhà Liễu, đình làng, chợ là nơi đến hấp dẫn của khách du lịch, tham quan.
Mai Xá bảo vệ được đàn cò vì làng đã có luật bảo vệ cò. Với ý thức rằng đàn cò là tài sản thiên nhiên quý giá của làng Mai mà không phải làng nào cũng có được; cánh cò đem lại cho người dân làng Mai cảm giác bình yên, sum vầy, nên hương ước cuả làng quy định khá chặt chẽ:

Dat-me-mai-xaHà Côộc

Việc bảo vệ đàn cò xã Gio Mai giao hoàn toàn cho làng Mai Xá Chánh tự quyết. Khu vực đầm nước 3ha nơi cò ở được đưa vào cho người dân đấu thầu nuôi cá, thu hoa lợi cho quỹ làng. Người trúng thầu kiêm thêm nhiệm vụ bảo vệ đàn cò. Ngày trước quy định săn bắt 1 con cò thì xử phạt 30.000 VNĐ, nay nâng lên là 100.000 VNĐ.
III. NHỮNG DI TÍCH VĂN HÓA XẾP HẠNG
III.1. “Lòi Rú – Bàu Đôông” (di chỉ cấp tỉnh)
“Lòi Rú – Bàu Đôông” là một quần thể di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Xưa kia, nơi đây thuộc xứ Long Phù, có diện tích là 154 mẫu 7 sào 11 thước. Một đoàn khảo cổ Trung ương do Giáo sư Trần Quốc Vượng làm Trưởng đoàn đã về đây tiến hành khai quật.
1. “Bàu Đôông”
Bên cạnh “Lòi – Rú” có bàu nước ngọt dân làng gọi là Bàu Đôông, rộng hơn 6 mẫu (3 ha); bàu là nơi sau một ngày làm việc đồng về người nông dân thường xuống rửa chân tay hoặc tắm mát.
Bàu có nhiều loại cá, có người thầu canh giữ. Ngày 5/5 âm lịch hàng năm có lệ “Xả bàu” nước cạn cho dân làng tự do đánh bắt. Về mùa hè, nước bàu cạn, dân thường lấy đất ở đáy hồ về đắp mồ mả, đường, sân, nền nhà… đất này màu đen có độ cứng cao và rất dẻo,
Những năm chống Mỹ cứu nước, vào dịp Tết nguyên đán, nhân dân thường dìm bánh tét, bánh chưng… trong bùn, để ban đêm du kích về lấy làm quà Tết. Trong những ngày hè nóng bức, lính Mỹ bảo vệ hàng rào điện tử thường xuống bàu ngâm mình chống nóng, du kích đã nhiều lần núp trong “Lòi Rú” để bắn tỉa lính Mỹ.
Cuối năm 1978, Chính phủ cho nạo vét hồ để chứa nước phục vụ nông nghiệp.
2. “Lòi Rú” là vùng cây nguyên sinh .
“Lòi Rú” có chiều vòng cung dài khoảng 2 km, chiều rộng của lòi khoảng 300m, phía Đông Nam của lòi có nhiều cây to, gỗ tốt như trai, dẽ… phía Tây Bắc cây nhỏ mọc sát nhau. Lòi được bảo vệ nghiêm nên cây cối từ xưa đến nay không bị chặt phá hay hỏa hoạn, nhưng thời chống Mỹ cứu nước, do bị bom giặc tàn phá gần hết, nay không còn một cây lớn nào.
Lòi có nhiều hoa, với hai loại quý nhất là mai và lộc vừng (hoa mưng). Mùa xuân, trước đây dân làng thường vào lòi để ngắm hoa mai. Ngày nay nhiều nhà đã trồng được mai ở vườn nhà.
Cứ đến mùa hè, hoa lộc vừng lại nở. Mỗi cây nở rất nhiều chuỗi hoa màu đỏ, hạt như những quả vừng. Ngày nay, ở thành phố và nông thôn, người ta thường trồng cây lộc vừng để lấy “lộc”. Cây lộc vừng còn ăn sống được, dân làng có câu tục ngữ “Đói ăn rau má, rau mưng”
Trong lòi có gà rừng, cú mèo, chồn, thỏ, sóc,…, có khỉ leo, trèo đùa giỡn trên các cành cây, có nhiều đàn ong hút mật, các đàn bướm đủ màu bay lượn, suốt bốn mùa. Có nhiều loại nấm rừng ăn được như nấm trứng gà, nấm tai mèo…. Sau những cơn mưa đầu mùa, trẻ con thường vào lòi tìm nấm.
Vào những năm 1976 – 1995, thực hiện việc dồn mồ mả về một nơi, đưa về các vùng đất khô cằn canh tác ít hiệu quả, để dành đất tốt cho việc canh tác, sản xuất lúa, hoa màu theo hướng hiện đại hoặc xây dựng các công trình dân sinh, các họ tộc đã dời mồ mả lên vùng đất của Lòi. Hiện nay lăng mộ ở đây rất nhiều, không còn cảnh quan thiên nhiên thơ mộng lúc ban đầu.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lòi còn là nơi hoạt động bí mật của cán bộ, du kích, bộ đội… Nhiều hầm bí mật được đào ở lòi. Bộ đội địa phương, dân quân du kích thường tập kết ở lòi trước khi vào trận đánh. Những năm 1963 – 1965, quân Mỹ đã chặt cây ở lòi biến thành vành đai trắng bao quanh làng. Có lần giặc huy động dân làng lên Lòi chặt cây, liên lạc không báo kịp cho cán bộ, du kích trú ẩn ở hầm, nhưng dân đã sáng kiến khi lên đến cửa lòi là nói chuyện thật to, dùng động tác mạnh để chặt cây, dùng “ tiếng lóng” để những người đang ẩn trong hầm biết, hoặc đến những chỗ gần cửa hầm, một số người còn kéo cây bít cửa hầm, chiều về họ tìm cách báo cho cán bộ nằm hầm lên rồi trà trộn với số người đi chặt cây để thoát khỏi vòng vây. Lòi là một vùng đất tốt, nên cây cối lại nảy mầm đâm lộc nhanh . Những năm 1971 – 1972, khi chuẩn bị đánh vào thành cổ Quảng Trị, “Lòi Rú” là nơi Cục Hậu cần chọn tập kết vũ khí, lương thực để chuyển vào tiến công thành cổ. Nhờ có “Lòi Rú” quanh năm cây cối xanh tốt khiến cho cảnh quan của làng đẹp và thơ mộng hơn. “Lòi Rú” còn che chắn không cho đất cát ở Độông tràn về lấp đất, lấp ruộng. “Lòi Rú – Bầu Đôông” như “lá phổi xanh”, là một vùng sinh thái cần gìn giữ. Trong quần thể này, có đàn Văn Thánh, Chùa Mai Xuân Tự, giếng chùa là các di tích văn hóa có giá trị.
Nếu có tiền cải tạo khu này thành khu di tích thì tốt biết chừng nào.
III.2. Bến đò Mai Xá
Làng Mai Xá có 2 bến đò: Bến đò chợ và bến đò kênh.
a) Bến đò chợ:

Từ đường Kiệt, con đường chính của làng muốn ra sông Hiếu là phải đi qua con đập nhỏ, hết đập là đến gò mũi nhọn, đến bến đò ngang, đò dọc của làng Mai Xá Chánh. Bến đò tự nhiên, dài vài chục mét. Phía trên giáp Hà Côộc nước hơi sâu; phía dưới là bãi cát bằng phẳng, vào mùa hè nước cạn, thuyền phải đậu xa bến. Bến dành cho cả đò ngang và đò dọc
Đò ngang: dân muốn sang cánh đồng Soi cày bừa, gieo hạt, gặt hái… phải qua sông Hiếu, nên làng đã sắm một chiếc đò gỗ, chở được khoảng trên 20 người,và cử một người lái thuyền giỏi hàng ngày chở dân làng đi về: buổi sáng sang cánh đồng Soi làm lụng, chiều và trưa chở dân làng về, Thuyền qua, lại sông thường xuyên, người đi làm rất đông.

ben-dova-dinh-lang-mai-xa-di-tich-lich-su-cap-quoc-gia

Đây còn là bến đò dọc vì nơi đây còn nhiều thuyền đò xã bạn cũng hay cập bến để buôn bán. Thuyền của bà con dân làng cũng xuất phải từ bến đò này đi Duy Phiên, Cửa Việt ra Cửa Tùng, lên chợ phiên Cam Lộ, lên thị xã Quảng Trị, hoặc lên rừng lấy củi…
Những ngày đầu trong cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp, bến đò này cũng đã nhiều lần chứng kiến những người con của làng Mai lên đò để Nam Tiến, hoặc lên đường số 9, Nam Lào cùng quân chủ lực của tỉnh ngăn chặn không cho giặc Pháp tiến về Đông Hà, thị xã Quảng Trị, rồi nhiều cuộc tiễn đưa hàng chục người con ưu tú của làng vào Vệ quốc đoàn, vào bộ đội địa phương của huyện, của tỉnh, và vào trung đoàn chủ lực 95.
Đặc biệt, trong chiến dịch 81 ngày đêm rực lửa ở thành cổ Quảng Trị, cũng chính tại bến đò này, thuyền đã chở không biết bao nhiêu bộ đội chủ lực, hàng ngàn tấn lương thực, vũ khí tiếp tế cho mặt trận Thành cổ. Bởi vậy, bến đò làng Mai Xá đã được công nhận là Di tích kháng chiến, Di tích lịch sử của tỉnh. Sau khi nước nhà thống nhất, bến đò này đã chứng kiến nhiều bà mẹ, nhiều người vợ gặp lại chồng con sau bao năm xa cách, và những cuộc hội ngộ đó đã để lại cho bến đò này những kỷ niệm sâu sắc và những tình cảm sâu nặng.
Hoà bình trở lại, những chiếc đò dùng mái chèo, dùng sào để chống được thay thế bởi đò có máy nổ. Thuyền đò vẫn ngược xuôi đưa người sang cánh đồng Soi sản xuất, đưa dân làng lên Đông Hà, Cam Lộ bán nông sản như gạo, lúa, rau… Chiều về, dân làng lại chở hàng hoá, vải vóc, cày bừa, quần áo về tiêu dùng. Bến đò Mai Xá được Nhà nước xếp hạng di tích cấp tỉnh.
b) Bến đò Kênh:
Xưa kia, làng Mai vốn liền một dải từ động Cồn Tiên đến biển Đông, nhưng sau khi hoàn thành con sông đào từ Mai Xá ra sông Hiền Lương, làng Mai chia làm hai xóm, xóm Làng và xóm Kênh. Để thuận tiện cho việc đi lại của dân, làng đã làm bến đò ngang, chọn người chèo đò đưa dân qua lại, và đặt tên là bến đò Kênh.
Sông Đào không rộng lắm nhưng sâu, vì bến đò gần ngã ba sông, nước chảy xiết. Bến đò này cũng có di tích đánh Tây. Đó là vào ngày 1/8 âm lịch năm 1947, du kích ta đã gài mìn dưới cát rồi đặt thuyền lên. Giặc Pháp muốn sang sông đã cho lính đẩy thuyền, nhưng mìn để đã lâu nên không nổ. Bọn giặc điên cuồng đã bắn chết nhiều người dân vô tội. Ngày nay, đã có cầu qua sông, bến đò này không còn sử dụng nữa.
IV. NHỮNG DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA KHÁC
IV.1. Miếu thờ thần Đông Trúc
Thuở nhỏ, nhóm bạn chăn trâu chúng tôi thường vào thắp hương khấn thần ở miếu Đông Trúc, nhưng không ai biết miếu có từ bao giờ, thờ vị thần nào.
Hẳn là miếu này có trước triều Nguyễn bởi cách đây khoảng ba bốn năm khi đọc cuốn Nhất Thống Dư Địa Chí của Thượng thư Bộ binh Mẫn chính hầu Lê Quang Định viết, đề ngày 20 tháng 11 niên hiệu Gia Long năm thứ 5 (1806) thấy có đoạn: Miếu Đông Trúc nằm về phía đông, trên địa phận xã Mai Xá huyện Minh Linh, thờ thần Đông Trúc, theo lệ quốc tế…
Miếu đông trúc được dựng trên một khuôn viên rộng rãi, đẹp đẽ, cao ráo, xung quanh miếu là ruộng lúa. Phía Tây – Bắc giáp nhà dân, phía Đông Nam là cánh đồng Kênh. Miếu xưa đã bị phá trụi sau hai cuộc chiến tranh tàn khốc, chỉ còn lại bức bình phong. Sau năm 1975, dân làng đã góp công, góp của tôn tạo lại, nhưng vì lúc ấy kinh tế dân làng còn eo hẹp, nên ngôi miếu trùng tu chưa được khang trang, chưa xứng với tầm vóc của nó. Bức bình phong nay đã bị phong hoá, những nét trang trí, hoa văn đã bị hư hỏng. Dân làng cũng đang có kế hoạch để tôn tạo lại.
Xung Quanh miếu là những cây cổ thụ, những rặng tre xanh bao bọc để bảo vệ miếu. Những cây mưng (lộc vừng) cao tới 6-7m có rất nhiều nhánh, đến mùa ra hoa cho những dây hoa trắng đỏ, lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời làm tăng thêm vẻ đẹp và tôn nghiêm.
Miếu thần Đông Trúc ở phía Bắc đường Xuyên á, cách đường khoảng 300m. Xưa kia, thuyền bè từ Nam ra Bắc hoặc ngược lại đều qua con lạch không sâu lắm, nhưng đủ nước cho thuyền qua lại, hai bên lệch nước, cây cỏ dại mọc um tùm, mùa mưa bão nước dâng cao, thuyền bè qua lại dễ gặp nguy hiểm. Con lệch này, dân làng đặt tên là bàu miệu, vì gần cuối con lệch có miếu thờ thần Đông Trước, hay còn gọi là Đông Trúc.
Theo truyền thuyết dân làng kể lại, thời xưa thuyền vua hoặc chúa qua đây, khi đi gần đến Đông Trúc (cồn đất cao có bụi trúc mọc) bỗng nhiên thuyền không đi được nữa, quân lính tìm cách nâng, đẩy thuyền mà thuyền vẫn không đi được. Vua bèn sai cận thần vào hỏi dân làng thì mới biết trên cồn đất có bụi trúc thần rất thiêng. Vua sai bộ Lễ đứng ra tổ chức cúng bái trước cồn trúc. Lát sau thuyền đi được, vì vậy viết chỉ:
“Đông trước hiển ứng oai linh tôn thần” và cho lập miếu thờ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trung đội du kích dựa thế hiểm trở của cồn cao, cây cối nhiều làm chỗ trú quân để tấn công quân giặc ở phía Cửa Việt lên.
IV.2. Sắc phong
1 Tiền khai khẩn Trương Đại Lang Thụy Cương Trực lịch triều sắc tặng Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Đoan Túc Tôn Thần.
2. Tiền khai khẩn Lê Đại Lang Thụy Minh Chính lịch triều sắc tặng Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Đoan Túc Tôn Thần.
3. Tiền chính đề lãnh văn dũng hầu Bùi Quý Công thụy Bình Trực lịch triều sắc tặng Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Đoan Túc Tôn Thần.
IV.3. Lăng mộ ba Ngài.
a) Lăng Ngài Trương.
Lăng mộ Ngài Trương nằm về phía Tây quốc lộ IA, km 747 tính từ Bắc vào Nam, thuộc thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, Quảng Trị.
– Diện tích: 131,4m2.
– Đường kính mộ: 6m
– Từ cổng đến tam quan: 6m.
Trước triều Nguyễn, đây là vùng đất trung tâm của làng Mai Xá Chánh (xã Mai Xá), huyện lỵ Gio Linh cũng có một thời gian đóng ở đây.
Lăng mộ được dân làng thường xuyên tôn tạo. Vào đợt tảo mộ (mồng hai tháng chạp) hàng năm, dân xã Mai Xá nói chung và dân làng Mai Xá Chánh ngày nay đều đến thắp hương dâng lễ.
Dân các làng quanh vùng cũng hay đến đây cầu hồn, xin số để mua vé số hoặc mua số đề. Dân ở đây kể lại: mỗi lần Ngài nhập vào xác đồng thì xác đồng bay lên cao khoảng một mét, rồi từ từ hạ xuống rất nhẹ nhàng. Kẻ yếu bóng vía không ai dám đến. Chuyện thực hư ra sao không thể nào giải thích nổi! Năm 1959, dân làng đã trùng tu lại lăng.
Trước 4 trụ của lăng đều có câu đối.
Câu đối hai trụ chính.
Hùng Danh Thùy Vũ Trụ Việt Hải Thiên Sơn
Phần mộ chiến binh dương Thiên Trương Địa Cửu.
Có nghĩa là: Mộ của một vị thần họ Trương trấn giữ vững bền một vùng sông nước trời đất từ biển Cửa Việt đến núi Cồn Tiên, uy danh lừng lẫy.
Câu đối thứ hai:
Thượng hạ cửu xã phường giang sơn ngật để trụ
Đông tây giáp Tiên Việt môn địa tráng trường thành[3]
b) Lăng Ngài Lê
Thần mộ xưa kia táng tại một khu rừng ở phường Quảng Xá (miền Tây Gio Linh). Để tiện chăm sóc hương khói, vào khoảng năm 1941 – 1942 đã nghinh Ngài về mai táng tại Đôộng Hao Hao cạnh Lòi Dù, thôn Mai Xá Chánh.
Năm 1953, đã xây lăng mộ kiên cố. Dân trong họ trong làng thường đến thắp hương khấn nguyện trong các ngày lễ hội truyền thống. Trong lăng có câu đối.
Mai Xá thượng hạ Lê gia đồng bổn tổ
Địa giới Tiên Sơn Việt Tấn nhất tiền khai
Nghĩa là: Ngài là vị tiền khai phá vùng đất từ Cồn Tiên đến tận Cửa Việt. Họ Lê ở Mai Xá thượng đến hạ đều cùng một tổ.

Khai cương thượng hạ cửu xã phường
Khẩn thổ Đông Tây giáp Tiên Việt
Nghĩa là: Khai phá vùng đất từ Cồn Tiên đến Cửa Việt có chín xã phường.
c) Lăng Ngài Bùi
Ngài Bùi khi tạ thế được con cháu mai táng ở khu công điền xứ ông Bùi, thuộc đồng Côi, làng Mai Xá Chánh. Lăng xây đã quá lâu nên hư hỏng nặng. Họ Bùi cùng dân làng đã xây dựng lăng mới. Lăng được xây bằng đá núi rất kiên cố. Kiểu dáng hài hòa độ thẩm mỹ cao.
Trong lăng có hai câu thơ nêu nguồn gốc
…. “Xưa kia ta ở Nghệ An
Lần theo vó ngựa ngài Đoan mà vào”…
Ngài Đoan (tức là Đoan Quốc công chúa Nguyễn Hoàng). Lăng nằm giữa cánh đồng bằng phẳng, gần đường Xuyên á và nhà dân.
IV.4. Sông đào Mai Xá (sông Cánh Hòm) – Bến cảng – thị trấn Mai Xá.
Năm 1545, Nguyễn Kim chết, con rể là Trịnh Khải lên thay. Người con thứ của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng được cử vào trấn phủ Thuận Hoá và Quảng Nam.
Từ những năm 1627 – 1672, Trịnh Nguyễn giao chiến với nhau 7 lần, bất phân thắng bại, hai bên phải giảng hoà, lấy sông Gianh (Quảng Bình ngày nay) làm giới tuyến: “Đàng Ngoài” do chúa Trịnh cai quản, “Đàng Trong” do Nguyễn Hoàng (Chúa Nguyễn) cai quản.
Từ những năm 1672 – 1777, các thế hệ chúa Nguyễn thay nhau cai trị Đàng Trong.
Có một lần chúa Phúc Tần đi kinh lý qua kênh rạch “đồng Kênh” làng Mai để ra sông Hiền Lương, khi qua đây thì cận thần báo với chúa là vùng này hay bị mưa to, gió lớn, thuyền buồm đi qua nhiều khi bị chìm đắm. Chúa muốn đào kênh mới để thuyền bè đi lại được dễ dàng. Lúc đó, có người xã Mai Xá tên là Trương Danh Thế vẽ bản đồ dâng lên, xin đào kênh từ xã Mai Xá đến quán Nhỉ Hạ. Chúa theo lời, bèn sai quân dân hai huyện Vũ Xương, Hải Lăng đào và Ngoại hữu Hoằng Lễ trông coi công việc. Một tháng đào xong kênh, thuyền bè đi lại dễ dàng. Năm Chính Hoà thứ 7 (1686), chúa sai đào kênh Hà Kỳ (từ xã Cẩm Phổ, huyện Vĩnh Linh đến Nhĩ Hạ, địa hạt huyện Gio Linh để thông với nước sông Hiền Lương (Minh – Lương ) và lập cảng Mai Xá
Như thế, sông Đào làng Mai và cảng Mai Xá đã đi vào lịch sử từ đó và cảng Mai Xá nối liền Cửa Việt – cửa Tùng, rồi từ đây đi vào dinh Quảng Trị, trấn Đông Hà, đạo Cam Lộ; thuyền buồm, nhiều nơi đến đây buôn bán, thuyền công vụ từ Nam ra Bắc hoặc ngược lại cũng đi qua sông nầy. Mai Xá ngày càng phát triển. Đến đời Minh Mạng thì lập ra thị trấn Mai Xá.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, dân làng đã đắp đập ngăn kênh nhằm 2 mục đích:
– Ngăn không cho tàu, ca nô của giặc chạy trên sông Đào.
– Tích, chứa nước ngọt để tưới cho lúa, hoa màu.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sông đào trở nên cực kỳ quan trọng trong việc chuyên chở vũ khí, đạn dược, lương thực từ bờ Bắc vào Nam.
Sau năm 1978, Chính phủ đã cho nạo vét kênh, làm đập ngăn nước mặn. Kênh Đào trở thành một hồ chứa nước tưới cho các cánh đồng nhiều xã thuộc huyện Gio Linh, Kênh Đào ngày nay lấy tên mới là “sông Cánh Hòm”. Phía Tây sông đào có cồn đất chạy dài theo kênh gọi là Cồn Go, nay phần đất này thuộc về Mai Xá Thị.
IV.5. Đàn Văn Thánh
Đàn Văn Thánh của làng Mai xây dựng từ năm 1910, đến nay chẵn một thế kỷ. Ngày xưa, một làng muốn xây đàn Văn Thánh phải có một số điều kiện như:
– Làng phải có nhiều người đi học
– Làng phải có người đỗ cao, như Tú tài Hán Nôm trở lên.
Làng Mai Xá thời đó cũng có nhiều người đi học và có ông Trương Khắc Khoan, ông Trương Quang Cung đỗ Tú tài Hán học.
Năm 1910, ông Trương Quang Dự, con cụ đồ Trương Quang Cung, là một nho sinh có chí, học giỏi nhưng mấy lần đi thì đều bị phạm quy. Ông Dự muốn mình cùng bạn bè, anh em thi cử thành đạt hơn, con cháu sau này có nhiều người học rộng, tài cao, có chí, lắm tài hoa và may mắn hơn… nên đã xin cha làm đàn Văn Thánh ở làng. Được sự đồng ý của các chức sắc trong làng, ông Cung đã chi tiền và sai con lo liệu, làm gần một năm thì xong.
Vị trí của đàn rất đẹp, nằm trên cồn đất cao, rộng rãi, phía Bắc của Lòi làng, cách ngôi chùa độ 300 m. Chiều rộng khoảng 6m, chiều dài khoảng 10m. Xung quanh xây tường gạch không cao lắm. Phía trước có 2 cột trụ vuông, vừa phải, có ghi 2 câu đối, có bình phong dài 3m, cao 1,5m. Phía cuối sát tường có một đàn hình khối chữ nhật, để người đến cầu nguyện đặt hoa và cắm hương.
Đàn Văn Thánh thờ đức Khổng Tử và các vị thánh hiền. Ngày xưa dân làng cũng thường lên cầu nguyện ở đàn. Các đôi mới cưới cầu nguyện cho vợ chồng được thuận hoà, con cái ngoan, mạnh khoẻ, học giỏi. Các sĩ tử trước hôm đi thi đến cầu nguyện làm bài được tốt, đỗ đạt cao.
Tháng 6/1946, ông Trương Quang Tứ, Bí thư chi bộ Mai Xá tổ chức kết nạp đảng viên đợt 2 tại đây, gồm các ông: Trương Quang Ngô, Trương Khắc Trại, Lê Quế, Trương Công Địch, Nguyễn Kỳ, Nguyễn Đăng Dinh, Lê Hưu…
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đàn Văn Thánh là nơi hội họp và nơi liên lạc giữa cán bộ thoát ly với đội ngũ cốt cán cơ sở của làng.
Đàn Văn Thánh bị bom, đạn san phẳng. Ngày nay, dân làng đang có kế hoạch trùng tu lại di tích lịch sử – văn hóa có trăm năm tuổi này.
IV.6. Chùa làng Mai (Mai Xuân Tự)
Ngày xưa dân làng Mai có một số người theo đạo Phật, nhưng dân làng ai cũng hướng đến việc thiện nên đã đóng góp tiền xây chùa Mai Xuân Tự.
Trước kia, Mai Xuân Tự vào loại chùa trung bình, khang trang và cao ráo, nghiêm trang, nằm trong khu di chỉ “Lòi Rú – Bàu Đôông”.
Chùa đã có từ lâu, do thầy Đơn chủ trì, cùng 2 con trai của thầy là Tương và Quang phụ tá.

lang-mai-xa-que-toi

Vào các ngày 30, mồng 1, ngày 14 và rằm hàng tháng, ngày Phật đản, những người ngoan đạo đều đến thắp hương cầu lễ.
Mấy người con thầy Đơn nuôi rất nhiều chim: chim câu, chào mào, chim cu, chim sáo… Đặc biệt, có con sáo sậu độ hai năm tuổi, nó bắt chước rất giống tiếng người. Người ăn mặc nghiêm chỉnh đến gần thì nó “chào khách tốt”, còn người nào ăn mặc lôi thôi thì nó “chào khách toạc”. Ngày nay, đã có nhiều người luyện sáo biết nói, nhưng vào thời bấy giờ, nghĩa là cách đây hơn nửa thế kỷ, lại ở một vùng quê nghèo, xa thành phố mà có một con sáo biết nói, biết chào do một thầy tu trẻ tuổi dạy, mọi người đều thán phục.
Mùa hè, chiều cũng như sáng, bọn trẻ thường rủ nhau lên chùa chơi. Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp và Mỹ thì đây là địa điểm liên lạc, hội họp của những người hoạt động bí mật. Đặc biệt trong cuộc chống Mỹ cứu nước, dân quân đêm đi đánh Mỹ, ngày về thường trú nghỉ ở chùa.
Có hai dân quân là Trương Công Trại và Trương Công Thu thường ngày đi bắn tỉa bọn lính, tối về nghỉ ở chùa. Một hôm, hai ông đang ngủ thì bọn Mỹ ập đến, nên không kịp chạy thoát. Nhưng nhờ có biết một ít tiếng Anh nên nói chuyện được với bọn lính Mỹ, và cũng vì thế bọn lính không lục soát kỹ, 2 ông đã nhanh chóng mang súng, lựu đạn chạy khỏi chùa.
Năm 2006, dân làng không tôn tạo chùa tại chỗ cũ, mà một số người đứng ra quyên góp xây một ngôi chùa khác liền kề với Dinh Ông. Khuôn viên chùa mới cũng khang trang, gần đường Xuyên á, tiện cho Phật tử, dân ngoan đạo trong làng và các nơi khác đến chùa lễ Phật.
IV.7. Các Mạc
+ Mạc xóm dưới, gần nhà ông Thủ Mua
+ Mạc gần nhà ông Hịm ( trước nhà ông Trợ Phiên)
+ Mạc gần nhà ông Cửu ân
+ Mạc xóm giữa gần nhà ông Thí Treo
+ Mạc xóm sau gần nhà các ông Trợ Mễ, bà Vàng
+ Mạc xóm Kênh có hai cái. Mạc xóm Soi, mạc xóm Đoộng.
Các mạc ở vào những vị trí đẹp, trang trọng. Dân làng kể rằng ngày xưa ở vùng này, mùa hè nắng gắt, gió Lào thổi mạnh, cây cối cháy khô, nếu có mồi lửa cháy thì cả làng bị thiêu rụi, nên các xóm dựng mạc để thờ thần hoả, mong thần Hoả bảo vệ làng, hạn chế các vụ cháy. Khuôn viên các mạc không rộng lắm nhưng xung quanh có nhiều cây xanh tươi tốt bao bọc.
Ngày đầu tháng, ngày rằm và các ngày lễ, dân làng đều ăn mặc chỉnh tề, mang hoa quả đến cúng, thắp hương cầu khẩn. Sau 2 cuộc chiến tranh , các mạc đều bị tàn phá, ngày nay dân làng đã trùng tu lại.
IV.8. Từ đường các họ.
Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, nhiều người dân làng Mai đã trở về xây dựng quê hương của mình. Những người không có điều kiện về sống ở quê được thì cũng tìm cách về làng thăm viếng bà con, đóng góp công của xây dựng quê hương. Ngoài những đóng góp chung để trùng tu lại đình làng, Dinh Ông, miếu họ Bùi, miếu đông Trúc, Chùa làng…, các dòng họ cũng họp nhau lại bàn bạc việc xây lăng của họ hay phái và xây nhà thờ họ.
Hiện nay 12 nhà thờ họ đã xây xong. Nhà thờ họ được xây trên những nền đất rộng, khang trang; sân, vườn có cây cao bóng mát, xung quanh nhà thờ có tường bao bọc, có cổng ra vào chắc chắn. Nhà thờ họ đủ chỗ cho việc nhóm họp khi có việc trong họ….
12 nhà thờ họ là:
Dòng họ Trương Công
Dòng họ Trương Quang
Dòng họ Trương Hữu
Dòng họ Trương Văn
Dòng họ Trương Khắc
Họ Lê
Họ Bùi
Họ Trần, họ Tạ, họ Hoàng.
Họ Nguyễn (2 cái)
IV.9. Nghĩa trang liệt sĩ
Xã Gio Mai đã xây dựng một nghĩa trang liệt sĩ cách trường tiểu học 300m về phía Tây, trên một khu đất cao ráo, diện tích hơn 1.000 m2. Nghĩa trang vào loại lớn của huyện Gio Linh, vì trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, làng Mai là một bãi chiến trường khốc liệt nên bộ đội, cán bộ đã hy sinh rất nhiều. Trong nghĩa trang liệt sĩ hiện nay có 150 ngôi mộ, có 50 ngôi mộ người xã Gio Mai đã được khắc bia, phần lớn là liệt sĩ vô Danh .
ở chính giữa xây biểu tượng đặt trên bệ cao khoảng 1m, có ghi “Tổ quốc ghi công” bằng chữ vàng. Xung quanh biểu tượng đặt mộ của các liệt sĩ thành ô vuông vắn. Tác giả sách này cùng lãnh đạo địa phương đã đến đây thắp hương trước giờ xã Gio Hà làm lễ đón danh hiệu xã anh hùng thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
IV.10. Nhà thờ Thiên chúa giáo.
Khoảng giữa thế kỷ 17 -18, khi linh mục truyền đạo phương Tây vào Việt Nam thì ở Quảng Trị có nhà thờ La văng, là nhà thờ lớn. Còn nhà thờ ở Mai Xá loại vừa, kiến trúc như các nhà thờ khác trong tỉnh nhưng không ai biết xây dựng vào năm nào. Nhà thờ ở đầu xóm Kênh, nằm trên bờ sông Hiếu, có cha để làm lễ, có nhà thờ để đọc kinh….
Xóm Kênh có nhiều người theo đạo, nhưng là đạo theo chứ không có đạo dòng. Những người theo đạo là nông dân cày, cuốc, không có người giàu.
* Năm 1941 nhà thờ có mở trường tiểu học, ba bốn lớp, số học sinh mỗi lớp không đông. Học sinh trong vùng như làng Lâm Xuân, Chợ Hôm, Hoàng Hà, Vinh Quang Thượng, Vinh Quang Hạ, Mai Xá… đều đến học. Đông nhất là học sinh làng Mai Xá.
Chương trình học cũng có khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, đầu giờ chào cờ, nhưng vào lớp phải đọc Kinh thánh trước khi học, ra vào lớp đúng giờ.
Trong những năm chống Mỹ cứu nước, có cha Bỉ (người nước Bỉ), cha Lộc người Triệu Phong. Chị ái làm hiệu trưởng, chị Hai, chị Thứ và các bà sơ, người dạy học, người làm y tá giúp dân. Đêm đêm ánh điện sáng trưng, lấp lánh chiếu xuống 2 dòng sông nước trong xanh, cảnh sắc thật huyền ảo, tuyệt đẹp. Trong trận huỷ diệt bằng B52 và pháo chùm từ tuần dương hạm ở biển đông bắn lên, cả làng Mai, nhà thờ, đình, chùa, nhà, cửa… đều bị san phẳng.
IV.11. “Niệm Phật Đường Mai Đông”
“Niệm Phật Đường Mai Đông” nằm ở khu vực phía Đông làng Mai Xá Chánh nên gọi là Mai Đông hay là “Niệm Phật Đường Mai Đông”.
Trước 1972, chùa Mai Xuân Tự bị san phẳng, chỉ còn lại một số gạch ngói vụn. Vào những năm 1976 – 1990, thực hiện chủ trương của địa phương là chuyển mồ mả ở đồng Sau, đồng Côi đi nơi khác, một số dân làng đã mang hài cốt đưa về cải táng trong khuôn viên chùa nên Mai Xuân Tự không còn đất để trùng tu, tái thiết. Vì thế, Phật tử làng Mai Xá Chánh đã cùng nhau xây dựng ngôi chùa mới Mai Đông.
Ngôi chùa này được xây dựng ở trên một khu đất cao, tục hô là ổ Gà. Chùa êm đềm soi bóng xuống dòng kênh Cánh Hòm và nhìn qua ngôi trường Tiểu học cao tầng, bốn mùa rợp bóng cây xanh, phảng phất mùi hoa.
Lúc đầu, chùa còn đơn sơ. Hiện nay, đã xây dựng kiên cố theo kiến trúc cổ, rộng, cao nên rất thoáng mát.
Khi hoàng hôn buông xuống, ai đến đây cũng tưởng chừng như mình đang lạc vào cõi hư vô. Sáng, chiều, tiếng chuông, tiếng mõ hòa quyện lời cầu kinh làm vơi đi những uẩn khúc, lòng người trở nên nhẹ nhàng thanh thản.
IV. 12. Lăng các họ
Ngoài các từ đường, các dòng họ còn xây lăng họ để hàng năm đến ngày chạp mả dân trong họ, trong làng đến tảo mộ.
IV.13. Lòi nhà Khuya.
Một khe nước trong chảy từ Đôộng Hao Hao về làng là giới hạn giữa lòi Làng và lòi nhà Khuya. Ngày xưa, ở lòi cây cối rậm rạp, đất huyền vũ không trồng trọt được mấy. Dân làng chọn những đám đất tốt rào xung quanh để trồng dưa, trồng khoai. Vào thời Văn Thân, các cụ lão thành Cách mạng thường nhóm họp ở đây.
IV.14. Nhà Liễu.
Dinh Ông nằm về phía Đông nhà Liễu. Đây là vùng đất bằng phẳng, có nhiều cây cối, nhưng cây không to lắm. Diện tích khoảng 2 ha, con đường liên xã từ Cửa Việt lên đến đường số 1A (nay là đường Xuyên á) là ranh giới giữa nhà Liễu với “Hà Côộc”; tại đây, du kích làng Mai đã từng có trận phục kích quân Pháp vào năm 1947.
IV.15. Gò Làng Mai.
Gò kéo dài từ “Hà Côộc” đến trước mặt nhà ông Thủ Mày. Phía Bắc giáp rào trong, phía Nam giáp sông Hiếu, phía Đông giáp gò ngoài. Gò hình bút tháp (gò mũi nhọn), biểu hiện sự siêng năng chăm chỉ, sự phấn đấu học hành thi cử thành đạt của con em dân làng. Gò bao giờ cũng sạch sẽ, cỏ mọc xanh rì. Chiều tối, dưới ánh trăng thu, thanh thiếu niên trong làng thường ra ngồi hứng gió hoặc chơi đùa. Những đêm khuya thanh vắng, nghe giọng hò “mái đẩy”, hò “đối đáp” của khách đi đò dọc thì thật là hay và mê hồn, nhất là vào những ngày có chợ phiên Cam Lộ, thuyền buôn đi lại nhiều.
Đêm khuya, dòng nước lững lờ trôi, tiếng mái chèo khua nước nhè nhẹ, những giọng hò cất lên trong trẻo, cho ta cảm giác như sống trong mơ:

…Khúc giao duyên câu hò tình tự
Nhẹ mái chèo khi nước lớn, trăng lên….
hay
……Sóng đôi bờ nhấp nhô mặt nước
Như vẫy chào người viễn xứ về quê…

Gò làng có bến đò ngang, đò dọc, suốt ngày tấp nập thuyền bè ra vào bến. Bốn giờ sáng, nhiều thuyền đã rời bến để đi chợ phiên, chợ tỉnh, lên rừng hái cây sim, cây me về đun bếp. Mùa cấy hoặc thu hoạch lúa, đò ngang chở dân làng sang cánh đồng “Soi”, cánh đồng “Kênh” để cày cấy hoặc gặt lúa.
Chiều chiều, khi thuỷ triều xuống, một bãi cát dài phẳng lỳ, rộng hàng nghìn mét vuông hiện ra, lũ học trò và lũ chăn trâu bò chia thành hai đội đá bóng. Bóng chỉ là quả bưởi to, hay quả bóng tự tạo: bên trong là giấy, lá vo tròn, ngoài dùng dây bẹ chuối quấn, đan như đan lưới, nhưng mà quả bóng cũng tròn, đá tuy không đau chân nhưng nặng lắm, vì gò đất cát ướt, đá càng lâu nước càng ngấm vào, thế mà chiều nào lũ trẻ cũng đều rủ nhau ra gò đá bóng. Đây là môn giải trí khoẻ người, đá bóng xong lại nhảy xuống sông tắm, thi bơi, lặn, bắt cá, bắt cua. Đây là thú vui của tuổi học trò một thời, mà đến nay nhiều người xa quê nay đã ngoài thất thập song họ vẫn nhớ như in, dường như vẫn còn luyến tiếc thời thơ ấu ở quê nhà.Thời ấy, bậc đàn anh có đội bóng của xóm trên, xóm dưới, nhất là đội bóng thanh niên có những cây làm bàn như ông Ban, ông Đồng, đá với đội binh sĩ có đôi chân nhanh , khoẻ như ông Minh, Binh Tựu…
Những hôm đua thuyền giữa các đội của làng, hoặc cùng các làng khác như Gia Độ, chợ Hôm, dân làng đứng dọc theo gò, tiếng hoan hô như sấm dậy. Gò làng cũng là nơi đội mục đồng đánh khăng, kéo co sau một ngày chăn trâu bò mệt nhọc, cũng là nơi thi nhau đứng trên lưng trâu cho trâu lội qua sông, xem ai qua sông trước mà không bị ngã xuống sông. Nơi đây một thời đã có nhiều trường học ở khắp nơi trong tỉnh, trong huyện về tổ chức cắm trại, viếng cảnh hóng mát, tổ chức thả diều, đá bóng…
Gò cũng ghi lại dấu ấn lịch sử trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Đó là vào tháng 7 năm 1945, khi thanh niên làng đang tập ném đá, ném lựu đạn xuống rào thì ông Trương Công Tự vô tình ném phải thuyền có lính Nhật ngồi ở trong. Hai lính Nhật đã nhảy lên gò, đi theo con đập vào làng và doạ đốt làng, nếu dân làng không giao nộp người đã ném đá vào thuyền. Mấy ngày sau đó, ông Trương Công Đồng diễn thuyết về Việt minh tại gò. Đêm 18/8/1945 cụ Trương Quang Phiên và một số cán bộ Việt minh tập họp dân tại gò rồi đi cướp chính quyền ở xã và ra mắt Uỷ ban khởi nghĩa của làng Mai Xá Chánh.
Đêm 1/9/1945, một đoàn đại biểu làng Mai Xá do cụ Trương Quang Côn, chủ nhiệm Việt minh xã dẫn đầu đã ra gò, xuống thuyền lên thị xã Quảng Trị chào mừng ngày Tuyên bố độc lập 2/9 của Chính phủ lâm thời.
Đầu năm 1946, Uỷ ban lâm thời của làng triệu tập nhân dân ra gò nghe ông Trương Quang Phiên tuyên truyền về cuộc bầu cử Quốc hội lần đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ông Phiên giới thiệu tỉnh Quảng Trị bầu cho ba ông Trần Quỳ, Lê Thế Hiếu, Đặng Thí. Dân làng đến rất đông và trật tự, tập trung nghe ông Phiên nói chuyện.
Gò làng cũng là bến của thuyền cào chắt chắt. Sáng, trưa, chiều đều có thuyền chắt chắt cập bến.
Gần cuối gò trong, có cồn đất rộng, bao quanh là sông nước, được gọi là gò ngoài. Gò này đất tốt, trồng khoai, ngô, đỗ, rau muống. Ngày nay cuối gò trong và gò ngoài, người ta đào hồ để nuôi tôm, đây là một nguồn lợi lớn của dân làng.
Gò trong, gò ngoài bảo vệ làng không bị lở đất khi mùa mưa lũ về, nước chảy xiết, nhưng nhà cửa, xóm làng vẫn nguyên vẹn, cảnh đẹp của làng vẫn như xưa.
v. hoạt động văn hóa khác
1. Về thể thao – thể dục
– Phong trào đá bóng thu hút lứa tuổi từ thiếu niên cho đến thanh niên. Chiều nào cũng tập luyện, một năm thi đấu nhiều lần. Đội bóng của làng còn thi đấu với các làng Gia Độ, An Cư huyện Triệu Phong, với đội chợ Cầu (huyện lỵ Gio Linh). Đội bóng học sinh thi đấu với đội bóng binh sĩ (gồm những người hết hạn đi lính). Có những cầu thủ giỏi như Trương Công Đồng, Bùi Xuân Ban, Lê Đăng Minh, Trương Văn Tựu… Khi các đội bóng thi đấu với nhau, dân làng đều đến dự, vỗ tay hoan hô vang trời.
– Đua thuyền (thuyền nan) luôn lôi cuốn mọi người dân, do người nông dân thường kiếm sống thêm nhờ nghề sông nước như cào chắt chắt, chèo đò ngang, đò dọc. Đua thuyền thường tổ chức vào những ngày lễ như 2 -9, ngày 10 tháng 6 âm lịch, những ngày Tết nguyên đán… Ông Trương Quang Khun là một tay lái thuyền đua tài năng.
– Phong trào luyện tập võ nghệ lôi cuốn thanh thiếu niên và cả trung niên tham gia. Có lớp, có thầy dạy cẩn thận. Bên cạnh tập võ, múa võ, còn có phong trào luyện tập quân sự được gọi là “phong trào thanh niên Phan Anh”. Vũ khí chỉ là những gậy gỗ hoặc gậy tre. Làng đã có một lực lượng bán vũ trang, chính lực lượng này trước đây đã đứng lên cướp chính quyền ở làng và ở huyện Gio Linh trong thời kì Cách mạng tháng 8 năm 1945.
2. Báo chí – Thư viện, văn nghệ
a) Báo chí
Trong thời kì Cách mạng tháng 8, Làng Mai có 3 tờ báo viết tay:
– Tờ “Xuân làng Mai” chủ nhiệm là Tô Khuyến và Hải Đường
– Tờ “Đế quốc Việt Nam” chủ nhiệm là Bùi Kiểu và Nguyễn Duy Hinh
– Tờ “Ngày mới” của Trương Công Cẩn và Trương Công Huỳnh
Ba tờ báo đều ca ngợi con người và quê hương, đợi chờ đất nước đi vào bước ngoặt lịch sử.
Cụ Trương Quang Phiên viết nhiều bài cho báo “Xuân Làng Mai”, có hai câu thơ được ghi vào trang đầu:
“Ghi trên giấy trắng niềm mong ước
Hẹn với đầu xanh mối nợ nần”
Cụ Lê Sịch và cụ Tạ Kiềng dân nghèo đã đến toà soạn đọc bài mình nghĩ ra và đề nghị cho ghi lại đăng báo.
Bài báo đó là: Vịnh Thầy Táo
Biển thước đời nay, bác Táo ta
Chuyên môn điều trị bệnh đàn bà
Bổ trung ích khí tài gia giảm
Một mũi Kim thần, bệnh chống qua
Tạ Kiềng
Bài của cụ Lê Sịch dài, xin chỉ trích một đoạn:
Đồn rằng tờ báo làng Mai
Viết toàn nhà ngói, làng Mai nhà giàu
Nhiều người phải ở ràn trâu
Bát cơm còn thiếu lấy đâu ra nhà?
Như tui, ông Sịch làng ta
Mò cua bắt cá, sớm trưa dưới rào
Nửa người khô, nắng nhức đầu
Nửa người ướt át, lạnh vào thấu xương….
Mụ Dưỡng ở tận cuối thôn
Vào lòn ra cúi, đáng thương thân già
Chuyên lo công việc đàn bà
Ai đau trở dạ, gần xa đều mời
Mụ đi tất tả ngược xuôi
Mụ làm, “mụ đỡ” cho người sơ sinh….
* Những câu chuyện hò của quê hương
Nữ giới trong làng có bà Trương Thị Xuyên (họ Trương Văn) ở bên Soi, nổi tiếng hò hay khắp vùng. Nam giới có ông Đá, ông Thép, ông Kiều cũng là những người hò hay.
Một hôm, ba ông có ý coi thường bà Xuyên nên tự ví mình là nam nhi rắn chắc như tảng đá, còn bà Xuyên liễu yếu đào tơ như quả trứng dễ vỡ. Các ông hạ một câu hò trịch thượng:

“Trứng chọi với đá sao đành em ơi”
Không chút bối rối, bà Xuyên lập tức hò đáp lại:
Đá kê chân chờng thì cực thân đá [4]
Trứng nằm trong quả sướng quá hơn con nhà giàu
Anh đã nói ra tôi xin đáp lại vài câu,
Rằng đất “Nam” thì dân ở, Tây, Tàu chỉ ngụ cư!
– Chị Đỉu – khi người yêu đi xa – đã có câu hò sau:
Ngọn gió Đông Nam thổi sang bụi chứa, sực nhớ nợ tình đôi lứa, lệ ứa sa rưng. Ngày xưa thầy mẹ chàng có định cho chàng đôi ba nơi thê thiếp, chàng nói rằng một không, hai không, ba, bốn cũng đừng. Chàng nói rằng đời chàng như chiếc đò xưa, đợi người khách cũ, dù có tan chợ lỡ chừng cũng cam tâm.
– Ông Chắt trước khi đi bộ đội xa nhà xa người yêu, nhờ ông Thước đặt chuyện hò:
Nặng vì tình, bất phân sống chết. Nặng nợ nước, tạm biệt hiền thê. Em ở nhà, thay anh nuôi thầy với mẹ hai đàng, cho anh ra đi trọn với lời thề. Ngày mô nước nhà độc lập, anh sẽ về với em.
– Có những câu hò nói về phụ nữ lấy chồng xa:
Ra đi nón thượng quai thao
Ra về nón rách, quai nào cũng không.
– Ông từ Toại (họ Trương Hữu) rất giỏi về nói vè. Ông đặt vè, nói chuyện vè rất hấp dẫn. Vào những đêm 29, 30 Tết hay những đêm việc họ, việc làng….ông Toại thường đến mua vui, những người đến nghe cũng thức suốt đêm không muốn ngủ.
b) Thư viện gia đình
Nhiều người đi học trên tỉnh, ở cố đô Huế, hiểu biết nhiều, giao thiệp rộng, nên cũng mua về được nhiều sách chính trị, kinh tế, khoa học. Xóm trên có tủ sách của các ông Trương Công Hốt, Trương Công Đồng. Xóm dưới và xóm giữa có tủ sách của cụ Trương Quang Phiên và ông Trương Quang Phỉ.

c) Các đội văn nghệ
Đội cải lương của các ông Trương Công Cương và Trương Công Hốt. Say mê vọng cổ, ông Cương đem về làng chiếc máy hát, lên giây cót bằng tay, ông Hốt với cây đàn nguyệt, những điệu cổ bản, kim tiền, lưu thuỷ…làm cho các cô gái làng ngậm ngùi.

“Lên non thiếp cũng lên theo
Xuống thuyền thiếp cũng dựa theo mạn thuyền”.

Đội hát bội (tuồng) của ông Thích (con cụ xạ Luốc) đi làm ăn ở bên Lào về, do đã học võ và học tuồng, nên đã lôi kéo được một số cụ như cụ Cửu Vòi, khoá Đẳng, Cửu Kiếm, cụ thầy Tuần…trình diễn các vở: Tam cố thảo lư, Trương Quân Thuỵ, Thôi Oanh Oanh …Đánh trống chầu giỏi nhất thời bấy giờ là cụ Khoá Thẩm, cụ Chánh Chài…
Đội kịch nói thu hút đông đảo học sinh nam nữ. Các ông: Khuyến, Thuỳ, Kiểu, Dõng (Dũng), Tần, Tiêu, Kỹ…và các cô Tân Nhân, Lịch, Tuý, Mai, Quỳ, Huệ, Chi, Hựu, Hoè…đã diễn các vở Nguyễn Phi Khanh, Trưng Nữ Vương, …ca ngợi tấm gương yêu nước của các bậc tiền bối.
Hội diễn văn nghệ có bán vé lấy tiền vào dịp Tết, tiền dùng cho hoạt động từ thiện giúp các gia đình nghèo trong làng.
Ngoài ra cũng còn có các hình thức khác như đốt lửa trại, biểu diễn những vở hài kịch do thanh niên có khiếu văn nghệ tự biên tự diễn. Bùi Thu Tăng và Bùi Cao là hai cây hài kịch xuất sắc của làng.
Ngày nay đội văn nghệ của làng cũng hoạt động tốt. Dựa vào đoàn thanh niên và các trường mẫu giáo, tiểu học, THCS làng đã thành lập đội văn nghệ, nghiệp dư hoạt động có hiệu quả, có chất lượng. Vào ngày khánh thành đình làng, đội văn nghệ đã có một chương trình hoạt động phong phú: múa, đơn ca, đồng ca, kịch… thu hút người xem từ đầu đến cuối buổi diễn. Đội chèo thuyền rồng bơi thi cũng hoạt động tốt, một năm tổ chức bơi thuyền ba lần. Thanh niên, học sinh tổ chức đi cắm trại dã ngoại rất vui, lại có tác dụng giáo dục cho thanh thiếu niên về hoạt động tập thể, lòng yêu mến quê hương đất nước.

Theo Hữu Mai

    Gửi bình luận

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

    CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH