Chàng trai Gio Linh cùng hành trình xuyên Việt

Võ Mạnh Tuấn (1987) sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Gio Linh Quảng Trị yêu thương. Hôm nhận được tin từ giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn điện thoại báo là sẽ bước vào hành trình đi bộ từng ngày chinh phục chặng đường 1.700 km để gây quỹ “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi” từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh. Bà Lê Thị Nhỏ, mẹ Tuấn – trú tại khu phố 5, thị trấn Gio Linh tỉnh Quảng Trị – lặng người, đánh rơi bó rau đang buộc dở. Ngược lại, ông Võ Xuân Quỳnh, bố Tuấn lại bình chân như vại. Ông bảo: “Thằng Tuấn tuy nhỏ con, hiền lành nhưng là đứa có chí. Hễ bắt tay vào việc gì, nó cũng làm đến nơi đến chốn, biết suy nghĩ trước sau. Vợ chồng mình phải tin tưởng nó”.

vo-manh-tuan-an-com-voi-can-bo-duong-sat

Võ Mạnh Tuấn đang ăn cơm trưa với một nhân viên đường sắt dọc hành trình

Bản lĩnh đích thực của trai làng Quảng Trị Gio Linh

Lâu nay, ông Quỳnh luôn đặt trọn niềm tin vào cậu con trai đầu. Thậm chí, khi Tuấn bỏ công việc “khối người mơ” để làm nghề… rửa xe, ông cũng tôn trọng quyết định của con. Sinh ra trong một gia đình nông dân, Tuấn quen với những bữa ăn cầm hơi và luống cày tưới ướt mồ hôi bố mẹ. Là con trai cả, Tuấn sớm biết cáng đáng việc cửa nhà. Ông Quỳnh kể: “Cứ đi học về, Tuấn thay bộ áo quần rồi chạy ào ra đồng phụ bố mẹ. Mệt mỏi, nặng nhọc gì nó cũng không kêu ca. Nó bảo, bố mẹ cứ để các em tập trung học hành, việc gì kham được, con cố làm bằng hết”.

vo-manh-tuan

Chàng trai giàu tình thương trao học bổng tiếp bước đến trường cho 2 em học sinh khó khăn Quảng Trị

Không có nhiều thời gian đèn sách nhưng thành tích học tập của Tuấn khá cao. Học xong lớp 12, anh thi đỗ vào trường Đại học Quy Nhơn, chuyên ngành Công tác xã hội. Thời điểm ấy, bố mẹ Tuấn đêm ngày trằn trọc, suy nghĩ chuyện kiếm tiền cho con nhập học. Tuấn nắm đôi bàn tay chai sần của bậc thân sinh rồi bảo: “Bố mẹ chỉ cần kiếm tiền tàu xe và học phí thôi, vào Quy Nhơn con sẽ tự lo cho mình”. Thế rồi, Tuấn làm tròn lời hứa ấy, không chỉ thời gian đầu nhập học mà kéo dài đến mấy năm. Anh bươn bả đi làm thêm, tiết kiệm từng đồng bởi biết bố mẹ còn phải lo cho ba đứa em ăn học ở quê nhà. Điều đáng khâm phục là Tuấn không hề để công việc làm ảnh hưởng đến chuyện đèn sách. Anh luôn giữ vững “phong độ” học tập. Năm thứ 4 đại học, Tuấn vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Ra trường, chàng trai nghèo quê hương Quảng Trị vinh dự được nhận vào làm ở một tổ chức phi chính phủ. Bấy giờ, mọi người bảo anh “số đỏ” vì có một công việc phù hợp với ngành học, lương lại cao. Thế nhưng, khi không được nhà tuyển dụng đồng ý cho học thêm, Tuấn liền xin nghỉ việc. Biết chuyện, nhiều người bảo Tuấn… khờ. Không tranh cãi gì, Tuấn đến quán rửa xe máy xin làm việc. Đồng lương còm cõi từ nghề lao động chân tay đã giúp anh biến ước mơ thành hiện thực. Ngay trong quá trình học thạc sĩ (chuyên ngành Giáo dục học) Trường Đại học Quy Nhơn, thầy giáo hiệu trưởng đã quyết định tuyển dụng anh. Từ đây, chàng trai giàu nghị lực vừa làm việc ở phòng Tổ chức – Công tác sinh viên, vừa giảng dạy ngành công tác xã hội. Nhìn lại tháng ngày đã qua, Tuấn chia sẻ: “Em luôn nghĩ, đường dưới chân mình. Nếu mình thực sự nỗ lực thì sẽ vượt qua dẫu nó xa xôi, hiểm trở đến mức nào”.

Trong quá trình thu thập tài liệu giảng dạy, Tuấn vô tình xem clip trận chiến đảo Gạc Ma, chứng kiến sự anh dũng, kiên cường của chiến sĩ hải quân Việt Nam và vô cùng xúc động. Anh nghĩ, dẫu cầm chắc tay súng hay ngư cụ, những người dân Việt Nam đang ngày đêm bám biển đều đóng góp công sức cho Tổ quốc. Họ vươn khơi trong khi gia đình còn nhiều vất vả. Nhiều con em của các chiến sĩ, ngư dân ở đất liền vẫn hằng đêm ao ước có tấm áo đẹp, quyển vở mới. “Trăn trở mãi, cuối cùng, mình nghĩ ra ý tưởng đi bộ xuyên Việt nằm gây quỹ từ thiện. “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi” là cái tên mình chọn”, Tuấn bộc bạch. Với anh, điều hạnh phúc lớn nhất là ý tưởng ấy được gia đình, bạn bè và nhà trường ủng hộ.

Bước chân yêu thương

Cuối tháng 7, Võ Mạnh Tuấn bắt đầu chuyến hành trình “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi” với điểm xuất phát là quảng trường Ba Đình. Hành trang của anh gói gọn trong chiếc ba lô nặng 15 kg gồm: quần áo, thuốc men, ít lương thực, võng, chăn, áo mưa và hai lá cờ Tổ quốc. Bên cạnh đó, anh mang theo số tiền 10 triệu đồng mà mình dành dụm được. Ngay trước chuyến đi, Tuấn đã quyết định trích một phần lộ phí làm quà tặng những học sinh nghèo, là con em của ngư dân dọc dải đất miền Trung.

Điểm xuất phát của hành trình “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi” đánh dấu bằng cơn mưa như trút của Hà Nội. Thế mà, mấy hôm sau, trời lại nắng như đổ lửa. Tuyến quốc lộ đang thi công dở lổm nhổm đá, nóng như rang khiến đôi chân Tuấn sưng tấy, phồng rộp. Đôi khi, sức lực như bị rút cạn, anh phải lê từng bước. “Trước khi bắt đầu vào hành trình, mình đã tập luyện khá nhiều. Mỗi ngày ba buổi, mình vác ba lô nặng 15 kg, đi bộ suốt hai tiếng đồng hồ. Ban đầu mệt nhừ tử, riết cũng quen dần. Thế nhưng, bước vào chặng đường thực tế, mình mới thấm thía hết sự gian nan. Thời tiết lúc nắng đổ lửa, khi mưa như trút nước. Để vững chí đường xa, mình tự nhủ, chắc ông trời đang thử lòng người”, Tuấn vui vẻ cho biết.

Ý chí của chàng trai Gio Linh Quảng Trị càng ngày  trở nên sắt đá hơn nhờ sự tiếp sức đầy tình yêu thương của mọi người. Ở mỗi chặng đường, Tuấn đều có những người bạn mới. Tuấn nhớ như in hình ảnh cô hàng nước chạy theo chỉ để tặng ổ bánh mỳ, hộp sữa; anh bán xăng ở Quảng Bình nhường suất ăn duy nhất cho mình hay bữa cơm đạm bạc với bác công nhân đường sắt…Tình cảm ấy đã khiến bước chân Tuấn vững vàng hơn. Những vết thương cũng trở nên “nhẹ nhàng” hẳn. Tuấn viết trên facebook: “Gắng lên đôi chân nhé! Em hư quá, tiêu tốn của anh 38 mũi kim rồi đấy”.

vo-manh-tuan-thap-nhang-liet-sy-duong-9

Võ Mạnh Tuấn ghé thắp nhang tưởng niệm anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang đường 9

Trên hành trình, điểm dừng chân khiến Tuấn trông đợi nhất là mảnh đất Quảng Trị đầy nắng rát gió Lào cùng miền cát trắng nơi mình sinh ra. Tuấn chia sẻ: “Không ngờ nhiều người biết về hành trình của mình đến thế. Khi mình đặt chân đến nhà, bố mẹ và bà con chòm xóm đều ùa ra đón. Ai cũng rơm rớm nước mắt”. Sau một đêm “ăn cơm mạ, ngủ giường mình”, Tuấn thu xếp thời gian đến thăm, tặng quà và động viên con em 3 ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, anh dành thời gian đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Thành Cổ Quảng Trị, thắp nén hương, tâm sự với “người nằm dưới cỏ” rằng: “Cháu đã hiểu một phần nhỏ sự gian khó của các chú, các anh trên con đường xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Đường dài song hầu như Tuấn chưa bao giờ lẻ bước. Nhiều bạn trẻ nghe tin về hành trình “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi” đã tình nguyện làm người đồng hành cùng anh. Đi đến đâu, Tuấn cũng nhận được những lời động viên, khen tặng. Tuấn thường cười hiền từ, nhắn nhủ mọi người: “Mong bà con đóng góp quỹ, đừng khen cháu”. Được biết, trước khi thực hiện hành trình xuyên Việt, Tuấn đã đề xuất Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Kon Tum mở tài khoản số 0761002349346 tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Hội sẽ trực tiếp quản lý, sử dụng số tiền trong tài khoản để “tiếp sức” cho con em chiến sĩ, ngư dân bám biển. Đó cũng chính là động lực mạnh mẽ nhất thôi thúc chàng trai Quảng Trị bản lĩnh vững bước trên chặng đường dài.

    Bình luận đã đóng.

    CÓ THỂ BẠN SẼ THÍCH